Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ (hay nhặm mắt) dùng để chỉ một số các bệnh viêm kết mạc. Viêm kết mạc có nhiều nguyên nhân nhưng hầu hết chỉ gồm 5 nguyên nhân chính. Mỗi nguyên nhân có một sắc thái bệnh riêng, nếu chú ý đến các sắc thái riêng biệt này, ta có thể chẩn đoán đúng nguyên nhân bệnh và xác định được hướng điều trị.

Viêm kết mạc là gì ?
Viêm kết mạc là tình trạng viêm màng nhầy bao phủ tròng trắng của mắt và lớp sau mi mắt. Một số nguyên nhân chính gây viêm kết mạc là nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi, dị ứng, mắt khô, viêm bờ mi và những phản ứng độc hại ở mắt.
Viêm kết mạc thường nhẹ, tự giới hạn và nếu biết rõ nguyên nhân gây bệnh thì vấn đề điều trị cũng dễ dàng. Thường mỗi loại viêm kết mạc sẽ có một dấu hiệu và triệu chứng chuyên biệt. Ðể ý đến những triệu chứng chuyên biệt này, ta có thể chẩn đoán được nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa và điều trị.

Các loại viêm kết mạc

  • Viêm kết mạc do vi khuẩn:
- Dấu hiệu chủ quan (bệnh nhân thấy): Buổi sáng mắt dính, khó mở, ghèn nhiều.
- Khám nghiệm: Có nhiều ghèn (thường ở một mắt), mắt có màu đỏ như thịt bò tươi.
- Ðiều trị: Dùng kháng sinh nhỏ và uống.
  • Do siêu vi:
- Dấu hiệu chủ quan: Chảy nước mắt nhiều, cảm giác có vật lạ ở trong mắt. Lây lan thường xuất hiện vào mùa có dịch.
- Khám nghiệm: Mắt đỏ nhiều, sưng. Thường bị cả hai mắt, có thể chảy máu ở tròng trắng, có hạch hai bên dái tai, đôi khi sốt.
- Ðiều trị: Nhỏ thuốc sát trùng, kháng sinh ngừa bội nhiễm. Giữ vệ sinh mắt để tránh lây lan.
  • Viêm kết mạc do dị ứng:
- Dấu hiệu chủ quan: Ngứa nhiều, chảy nước mắt, tái phát thường xuyên. Bệnh không lây lan, thường xuất hiện theo mùa.
- Khám nghiệm: Phù tròng trắng, lộn mi thấy có những hột ở mắt.
- Ðiều trị: Nhỏ hoặc uống thuốc dị ứng, nhỏ nước mắt nhân tạo. Ðắp gạc lạnh lên mắt.
  • Mắt khô:
- Dấu hiệu chủ quan: Cảm giác như phỏng, khô, dính mắt, không muốn mở mắt, như có vật lạ trong mắt.
- Khám nghiệm: Tròng trắng không bóng. Thấy ở những người ít nhắm mắt, làm việc trong môi trường khô (như làm việc trước màn hình vi tính trong thời gian lâu, nơi gió cát), người cao tuổi, uống các loại thuốc dị ứng, an thần... lâu ngày hay nhỏ thuốc trị cườm nước.
- Ðiều trị: Nhỏ nước mắt nhân tạo, tránh nơi gió cát, khô.
  • Viêm bờ mi:
- Dấu hiệu chủ quan: Mắt đỏ kinh niên (ở bờ mi mắt), cảm giác như có vật lạ. Khi nặng sẽ làm mắt toét.
- Khám nghiệm: Có vảy chân lông mi, bờ mi đỏ.
- Ðiều trị: Uống và nhỏ kháng sinh, chủ yếu dùng nhóm Tetracycline, thường do mắt hột (chữa mắt hột).
  • Viêm do nhiễm độc:
- Dấu hiệu chủ quan: Không đỏ nhiều nhưng bị kinh niên không lúc nào dứt. Có tiền căn dùng nhiều loại thuốc nhỏ lâu dài chứa chất bảo quản gây độc cho mắt. Mắt có cảm giác khó chịu, không có ghèn, không nhức.
- Khám nghiệm: Lộn mi thấy có sẹo, không đỏ nhiều.
- Ðiều trị: Xem lại các thuốc đã nhỏ có chứa loại chất bảo quản nào không? (như Benzakonium gây độc cho mắt).
Nên dùng các loại thuốc nhỏ không có chất bảo quản.
  • Glaucoma cấp:
- Dấu hiệu chủ quan: Ðỏ nhiều ở một mắt, lan lên đầu gây nhức đầu (thường xuất hiện ở người trên 45 tuổi). Xuất hiện về đêm làm mắt mờ, nhìn vòng màu.
- Khám nghiệm: Ðồng tử nở, có vòng đỏ quanh tròng đen, đo thấy nhãn áp cao.
- Ðiều trị: Ðây là một bệnh nguy hiểm trong nhãn khoa, cần đến bác sĩ khám kịp thời.
Bệnh đau mắt đỏ rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Có những loại nguy hiểm cần điều trị gấp, nhưng cũng có loại nhẹ chỉ thoáng qua mà không cần điều trị. Quan trọng là chúng ta phải biết cách nhận biết những dấu hiệu để chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị thích hợp nhằm tránh những tổn hại về sau.
Viêm kết mạc - bệnh thường gặp trong mùa hè 
Bệnh thường dễ bùng phát thành dịch vào mùa hè.
Các trường hợp viêm kết mạc thường có triệu chứng chung là: bệnh nhân khó chịu vì cộm trong mắt, chảy nước mắt, thường có dử và tinh chất nhầy, sáng dậy hay dính tịt hai mi lại. Kết mạc phù nề, đỏ do các mạch máu sung huyết. Trong những tháng nắng nóng do gió, bụi bẩn, thu hoạch thóc lúa, môi trường ô nhiễm... thường có những đợt viêm kết mạc rộ lên. Bệnh làm giảm tạm thời khả năng lao động và nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nặng (viêm giác mạc), dẫn đến giảm thị lực.
Để phòng ngừa viêm kết mạc, bệnh nhân cần đến khám sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa mắt. Các bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc kháng sinh (amociclin, tetraciclin...) và thuốc chống phù nề (alfacymotrypcin...). Ngoài các thuốc uống, bệnh nhân còn được dùng thuốc kháng sinh dạng nước, dạng mỡ dùng tại chỗ như thuốc nhỏ mắt cebemycin, tobrex, maxitrol, mỡ posyciclin, cebemycin...
Viêm kết mạc do vi khuẩn gram âm Koch-Weeks gây ra thường hay lây và dễ thành dịch. Có trường hợp từ một người lây cho cả nhà rồi lan ra cộng đồng, nhất là ở cơ quan, trường học... Nguyên nhân lây bệnh chủ yếu là không tôn trọng các quy tắc vệ sinh chung (tay rửa không sạch, dùng chung đồ dùng (tay nắm cửa, khăn, chậu...). Viêm kết mạc virus, viêm kết mạc họng hạch còn lây qua đường hô hấp do vi khuẩn sống trong nước bọt, độ lây lan lan rất cao. Cách phòng bệnh tốt nhất là đi khám sớm, cách ly người bệnh, tôn trọng quy tắc vệ sinh. Không được tự điều trị ở nhà bằng cách xông lá trầu, lá dâu, đắp lá vào mắt... vì có thể gây chảy máu, nhiễm trùng thêm nặng.
(Theo : BS. NGUYỄN CƯỜNG NAM, BS. NGUYỄN VĂN VẤN, Sức Khoẻ & Đời Sống)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét