Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Chọn kính mắt tốt


 
Khi ra ngoài nắng lâu, các tia cực tím có thể gây các bệnh về mắt như viêm giác mạc, đục thủy tinh thể, bỏng võng mạc, suy hoàng điểm..., làm mắt mờ dần. Vì vậy khi ra nắng, bạn nên đeo loại kính ngăn tia cực tím. Kính màu không chặn được tia này mà chỉ làm giảm ánh sáng đến mắt.

Kính có độ (kính thuốc) phải đạt những tiêu chuẩn sau:
- Bền, khó vỡ, được điều chế bằng những loại thủy tinh đặc biệt đồng nhất và có chiết xuất cao, khó trầy xước.
- Vị trí đeo trước mắt phải đúng tâm, nếu không sẽ gây mỏi mắt, nhức đầu, đau cổ.
Về gọng kính:
- Gọng kính áp sát trên mũi, tạo cảm giác nhẹ nhàng nhưng chắc chắn. Kính không được lỏng lẻo vì dễ gây trượt.
- Gọng áp nhẹ và song song với trán, phần gọng ở tai không được chặt quá.
Về tròng kính, hiện có 2 loại:
- Tròng nhựa được tổng hợp từ các loại nhựa hữu cơ, có ưu điểm là nhẹ, không vỡ; nhưng lại dễ trầy xước, độ trong suốt giảm sau một thời gian sử dụng. Kỹ thuật hiện đại đã tạo ra loại tròng nhựa rất mỏng, không vỡ và khó bị trầy xước.
- Tròng thủy tinh có ưu điểm là không trầy, giữ được độ trong suốt lâu nhưng lại dễ vỡ, nặng, nhất là những kính có độ cận - viễn cao.
Dù tròng kính được làm bằng thủy tinh hay nhựa thì vẫn phải đạt các yêu cầu: đồng nhất và trong suốt, có độ bền tốt, không dễ vỡ, không dễ xước (nhất là loại kính nhựa), chiết xuất cao và nhẹ. Ngoài ra, phải ngăn chặn được tia cực tím khi ra nắng, nhìn được chính xác, không gây lóa mắt, không làm mỏi và bảo vệ được mắt. Các loại kính rẻ tiền không đạt những tiêu chuẩn này nên thường gây ảnh hưởng xấu cho mắt. Ví dụ: Kính làm bằng thủy tinh chất lượng kém dễ gây nhức đầu, rất nguy hiểm khi lái xe. Kính không ngăn ngừa được tia cực tím có thể gây một số bệnh về mắt.
Mỗi người phải tùy theo cá tính, nghề nghiệp, quan điểm thẩm mỹ, bệnh tật và hoàn cảnh mà chọn cho mình một loại tròng với các đặc tính phù hợp:
- Kính nhựa: Thường dùng cho những người ít cẩn thận hay trẻ em để tránh bị vỡ.
- Kính đổi màu: Là những loại kính có màu thay đổi khi ra ngoài nắng hay vào trong nhà. Khi ánh sáng càng mạnh thì màu kính càng sậm. Loại kính này giúp cho mắt nhìn khỏi chói, mát mắt, đỡ nhức đầu.
- Kính ngăn chặn tia cực tím UV: Dùng khi ra ngoài nắng.
- Kính chống chói: Là những loại tròng được chế tạo đặc biệt, có phủ một lớp hóa chất để loại bỏ các tia phản chiếu. Khi đeo kính, mắt sẽ không bị chói và dễ chịu hơn. Kính này được dùng cho những người lái xe vào ban đêm hay thường xuyên phải làm việc ở những nơi có nhiều đèn, ánh sáng nhân tạo (máy tính, máy ảnh, truyền hình...).
- Kính siêu mỏng: Là loại kính rất nhẹ, có tính thẩm mỹ cao, thường được dùng cho những người cận, viễn nặng hay mổ cườm không đặt thủy tinh thể nhân tạo.
- Kính đơn tiêu: Là những kính có cùng một độ hội tụ để điều chỉnh cận thị, viễn thị, loạn thị hay đục thủy tinh thể.
- Kính lưỡng tiêu hay kính hai tròng: Có thể giúp mắt nhìn được xa và gần (đọc sách).
- Kính đa tiêu hay kính có độ tăng dần (cấp số): Có thể giúp mắt nhìn được mọi khoảng cách từ xa đến gần. Khi mới đeo loại kính này, có thể mắt hơi bị lóa nhưng sau một thời gian sẽ quen dần.
Khi cho trẻ em đeo kính, nên chọn những kính khó vỡ, khó trầy xước, gọng mềm, ôm sát mắt mà không gây khó chịu cho trẻ.
Khi mua kính, để an tâm về chất lượng, bạn nên chọn những cửa hàng có các tiêu chuẩn sau:
- Có nhân viên đã được huấn luyện chuyên ngành (ở Mỹ là các Ophthometrist, ở nước ta là các kỹ thuật viên khúc xạ và mắt kính).
- Đã mở lâu năm, nhân viên có nhiều kinh nghiệm.
- Có đầy đủ trang thiết bị để đo và khám mắt đúng tiêu chuẩn.
(Theo BS Nguyễn Cường Nam, Sức Khỏe & Đời Sống)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét