Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Trẻ em sinh non dễ bị mù

Sinh đôi khi thai mới 28 tuần, chị Ngọc (Ứng Hòa, Hà Nội) thở phào khi hai bé đều khỏe mạnh sau tháng đầu vất vả nuôi trong lồng kính. Thế nhưng, khi con lớn dần, vợ chồng chị lại đau thắt tim vì biết cả hai bé đều mù.
Lúc còn nhỏ, ai đến chơi cũng khen cả hai bé trai con chị có đôi mắt giống mẹ, đẹp quá. Anh chị cũng hạnh phúc vô bờ vì có lúc đã tưởng rằng không thể nào cứu được các con. Nhưng khi càng lớn, hai bé càng chậm có phản ứng với ánh sáng. Bận rộn công việc, lại vất vả vì chăm hai bé và nghĩ các con sinh thiếu tháng nên chậm phát triển hơn nên anh chị cũng không để ý lắm.
Mãi đến khi các cháu được một tuổi, thấy con như chẳng hề nhìn thấy gì, anh chị mới đưa các bé đi khám thì biết cả hai cháu đều đã bị bong võng mạc mắt. Bác sĩ kết luận chẳng có cách gì chữa được cho các bé nữa.
 
Giáo sư Teresenco – Giám đốc chi nhánh Kaluga của Tổ hợp Vi phẫu mắt Fyodorov (Nga) đang khám cho trẻ bị bong võng mạc tại Bệnh viện Mắt quốc tế Việt Nga. Ảnh: VN.
Tương tự, dù được phát hiện bệnh sớm hơn nhưng em bé của vợ chồng anh Đức (Thái Nguyên) vẫn chưa nhìn được ánh sáng.
Con anh chị chào đời khi vừa tròn 30 tuần tuổi. Vì không được ai hướng dẫn, nên sau khi đón cháu từ lồng kính của bệnh viện về nhà nuôi, anh chị chẳng để ý đến việc khám mắt cho con. Bố cháu rất quan tâm đến cô con gái nhỏ, thường xuyên mua đồ chơi, bóng bay về giăng khắp nhà. Nhưng rồi anh phát hiện bé không hề thích thú nhìn theo những thứ đầy màu sắc như những em bé khác.
Đưa con đi khám ở Bệnh viện mắt Trung ương khi bé được gần 4 tháng, anh chị bủn rủn khi bác sĩ kết luận: em bé bị đã bị bong một phần võng mạc. Bác sĩ đã tiến hành xử lý laze cho mắt cháu nhưng cũng không phục hồi được thị lực.
Theo tiến sĩ nhãn khoa Vladimir Nhicolaevich, Bệnh viện Mắt quốc tế Việt Nga, cũng là trưởng khoa nhi, chi nhánh MNTK tại Kraxnodar (Nga), có tới 40-50% các cháu sinh non bị bệnh võng mạc mắt. Đây là bệnh mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non hay thiếu tháng, nhẹ cân. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn.
Bác sĩ cho biết, các cháu sinh ở tuần 34 trở xuống thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Trẻ sinh ở tuần 35-36 vẫn có nguy cơ nếu người mẹ mang thai có bệnh trong cơ thể. Bệnh thường xuất hiện từ tuần thứ 4 sau khi sinh hoặc có thể xảy ra muộn hơn, vào khoảng tuần thứ 6, 7.
Ở Việt Nam, đa số các cháu bị bệnh này thường được khám quá muộn nên cơ hội phục hồi thị lực rất thấp. Theo bác sĩ, đây không phải là lỗi của phụ huynh bởi họ không biết về chuyên môn, chưa được thông tin về bệnh, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Chính các y, bác sĩ sản khoa phải có trách nhiệm hướng dẫn họ đưa con đi khám chuyên khoa mắt trẻ em để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Với bệnh này, ở giai đoạn sớm nhìn bằng mắt thường sẽ không thể phát hiện được, đến khi có biểu hiện bên ngoài thì đã muộn. Ngoài ra, việc khám mắt cho trẻ sơ sinh khá phức tạp, cần thiết bị chuyên dụng và đòi hỏi phải do bác sĩ chuyên khoa nhãn nhi thực hiện.
“Bệnh này phải được xem như một bệnh cấp cứu, như là đau ruột thừa, vì nó diễn biến rất nhanh, nếu để lâu cơ hội chữa khỏi sẽ mất, trẻ sẽ bị mù vĩnh viễn, rất đáng tiếc”, bác sĩ Vladimir Nhicolaevich nhấn mạnh.
Nếu bệnh được phát hiện lúc còn nhẹ và trung bình (cấp độ 1,2,3) thì kết quả khá tốt, nếu bệnh nặng (cấp 4, 5 – khi đã bị bong võng mặc phần lớn hay hoàn toàn) thì dù có điều trị bằng phương pháp nào khả năng mù vẫn rất cao. Với các cháu trên một tuổi, đã bị mù hoàn toàn do bong toàn bộ võng mạc, việc phẫu thuật vẫn cần thiết, dù chỉ để bảo tồn cơ quan thị giác, tránh các biến chứng như teo hoặc lồi con mắt, chứ không thể khôi phục thị lực.
Để tránh nguy cơ này, theo bác sĩ, trong vòng 4 tuần sau khi sinh, trẻ cần được khám mắt. Đối với trẻ thiếu tháng, ngay lập tức sau khi đẻ cần được kiểm tra mắt, sau đó khám thường xuyên và trong vòng 3 tháng đầu phải giải quyết các vấn đề về mắt cho các cháu.
Tuy nhiên, do điều kiện thiết bị và chuyên môn, nên hầu hết các bệnh viện trong nước đều chưa chữa trị được bệnh này. Một số bệnh viện lớn như Bệnh viện mắt Trung ương, Bệnh viện mắt TP HCM… cũng chỉ có thể điều trị khi bệnh ở giai đoạn nhẹ bằng 2 phương pháp là lạnh đông và quang đông bằng laser.
Hiện nay, nhiều trường hợp bong võng mạc trẻ đẻ non đã được Bệnh viện Mắt quốc tế Việt Nga tiếp nhận chuyển sang Nga điều trị. Thời gian điều trị khoảng 10 ngày và chi phí khoảng 6000 USD cho bé và mẹ đi cùng.
Hiện bệnh viện đang tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Nga về điều trị bong võng mạch trẻ sơ sinh và trong thời gian tới, khoảng giữa năm, sẽ chính thức áp dụng tại ViệtNam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét